Nhà khoa học trẻ được trao giải thưởng Quả cầu vàng

2024-10-31 09:55:18

TS. Nguyễn Phước Vinh là một trong 10 tài năng trẻ trên toàn quốc được nhận Giải thưởng Khoa học Công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2024 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học & Công nghệ trao tặng. Đây là giải thưởng cao quý dành cho những nhà khoa học trẻ có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Truyền thông UHS đã có dịp trao đổi với TS. Nguyễn Phước Vinh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Phó Trưởng khoa Khoa Dược, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe về Giải thưởng cao quý này.

Điều gì đã thúc đẩy Tiến sĩ theo đuổi lĩnh vực khoa học công nghệ này? Tiến sĩ có thể chia sẻ một chút về con đường học tập, nghiên cứu của mình và hành trình dẫn đến việc theo đuổi các nghiên cứu hiện tại của mình không?

Trước hết, xin cảm ơn Truyền thông UHS đã dành cho tôi cuộc trò chuyện thú vị này. Là người con xứ biển, sinh ra và lớn lên tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, tôi bắt đầu hành trình theo đuổi đam mê về khoa học sức khỏe là tại Khoa Dược, Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh theo chương trình hệ Pháp ngữ được tài trợ bởi Tổ chức Đại học Pháp Ngữ AUF.

Sau khi ra trường vào năm 2017, tôi đạt được học bổng xuất sắc của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để theo học thẳng Thạc sĩ năm thứ 2 về Dược học tại Trường Đại học Paris-Sud, Đại học Paris-Saclay, Paris, Cộng Hòa Pháp. Trong khuôn khổ chương trình thạc sĩ này, tôi cũng có cơ hội được thực tập và tiến hành luận văn thạc sĩ tại Đại học Bordeaux về Giải pháp cho vấn đề đề kháng kháng sinh sử dụng trị liệu gene và công nghệ nano. Thành quả bước đầu cho nỗ lực này là tôi có được 1 bằng sáng chế quốc tế, 2 công bố Q1.

Sau khi kết thúc chương trình thạc sĩ vào tháng 8/2018, tôi đứng trước ngã rẻ muôn thuở của du học sinh Việt Nam: về Việt Nam công tác hoặc tiếp tục học. Lúc đó, tôi đã có “offer” từ một tập đoàn lớn về Dược phẩm Pháp tại Việt Nam với vai trò Quản đốc nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, với niềm đam mê nghiên cứu và sự động viên từ gia đình, tôi đã quyết định tiếp tục theo học chương trình Tiến sĩ tại Pháp. Để theo chương trình tiến sĩ tại Pháp, tôi đã thi vào 2 chương trình tiến sĩ, 1 chương trình tại Viện nghiên cứu về Ung thư lớn nhất Châu Âu Marie-Curie (theo dự án Marie Skłodowska-Curie của Liên minh Châu Âu EU) với nghiên cứu về sự di chuyển của các tế bào ung thư trong giai đoạn di căn và Chương trình tiến sĩ tại Đại học Tours, Tours, Pháp theo chương trình học bổng của Bộ Đại học và nghiên cứu Pháp (kỳ thi concours doctoral) với chủ đề nghiên cứu về phát triển giải pháp cho vấn đề đề kháng thuốc kháng ung thư tăng biểu hiện protein EGFR sử dụng kết hợp liệu pháp gene và công nghệ nano. Cuối cùng tôi đã lựa chọn dự án tại Tours và trải qua 3 năm khó quên tại thủ phủ của lâu đài – Val de Loire từ năm 2018 đến đầu năm 2022. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ vào đầu năm 2022 và trải qua đại dịch Covid-19 tại xứ người, hơn bao giờ hết, tôi mong muốn trở về và cống hiến cho đất nước trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.

Tháng 02 năm 2022 tôi trở về Việt Nam và bắt đầu tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp. Lúc bấy giờ, tôi lại đứng trước nhiều băn khoăn: làm ở đâu? kinh tế hay nghiên cứu? tiềm năng phát triển… những câu hỏi luôn đeo đuổi những người trẻ làm khoa học như tôi. Và rồi tôi gặp lại người Thầy đáng kính của mình: GS.TS.DS Lê Minh Trí. Sau buổi ngày hôm đó, tôi còn nhớ là một buổi gặp chỉ vỏn vẹn 30 phút, kế hoạch phát triển 30 năm tới của tôi đã cơ bản được định hình và tôi quyết định chọn công tác tại Trường Đại học Khoa học Sức khỏe (tiền thân là Khoa Y – Đại học Quốc Gia Tp. HCM). Hiện nay, tôi vẫn theo đuổi các giải pháp cho vấn đề đề kháng thuốc (kháng sinh và ung thư) và tập trung cho đối tượng bệnh nhân Việt Nam

Ai hoặc điều gì là nguồn cảm hứng lớn nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của Tiến sĩ?

Người Thầy và đồng nghiệp là hai nguồn cảm hứng lớn nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của tôi. Thầy luôn là người định hướng khi tôi chông chênh, là người giúp tôi đi nhanh. Đồng nghiệp là những người cùng tôi vượt qua thách thức. Trong nghiên cứu khoa học, muốn đi xa phải đi cùng nhau.

Tiến sĩ nghĩ rằng yếu tố nào là quan trọng nhất để thành công trong khoa học, đặc biệt là ở giai đoạn trẻ như anh?

Theo tôi, với những người trẻ làm khoa học, có 3 yếu tố quan trọng nhất để tiến xa hơn trong khoa học: (1) Thực lực: phải biết mình ở đâu, thế mạnh mình là gì, điều kiện của nhóm/đơn vị mình là gì từ đó chọn hướng nghiên cứu đúng đắn. (2) Nhân lực: phải có nhóm nghiên cứu, nếu chưa có thì phải tập hợp những nhà khoa học cùng định hướng, cùng khát vọng. (3) Định lực: phải có khát vọng và kiên trì để đạt khát vọng đó. Nói về định lực, tôi có một câu chuyện muốn chia sẻ. Trong thời gian làm đề tài Tiến sĩ, tôi phải tổng hợp, hoạt hóa, gắn đồng vị phóng xạ, song song phải tạo mô hình khối u tại chỗ trên chuột (orthotopic model), thử hoạt tính và theo dõi hiệu quả. Mỗi một đợt thí nghiệm như vậy tốn khoảng 6 tháng và bất kỳ sai lầm ở bước nào đều phải bắt đầu lại từ đầu và bỏ ra công sức, kinh phí cực lớn. Do đó, nếu không kiên trì, không đủ tỉ mỉ thì chắc chắn không thể hoàn thành được.

Tiến sĩ có thể chia sẻ về các công trình khoa học hay dự án nghiên cứu mà anh cho là tâm đắc nhất và vì sao?

Nói về công trình khoa học tâm đắc nhất tính tới thời điểm hiện tại, tôi có 2 công trình nghiên cứu: 01 là đề tài Nghiên cứu sinh của tôi tại Pháp với kết quả là 5 công bố Q1 với vai trò tác giả chính, 01 giải thưởng danh giá của Viện Hàn lâm Dược học Cộng Hòa Pháp. Đề tài này tôi tham gia từ những bước đầu tiên đến lúc chứng kiến nó có hiệu quả trên mô hình in vivo, nó cũng giúp tôi hình thành một logic nghiên cứu khoa học, là đề tài hình thành cơ bản về khả năng tư duy và định hình NCKH của tôi tính tới thời điểm hiện tại. Đề tài thứ 2 là nhiệm vụ KHCN cấp ĐHQG tôi vừa hoàn thành. Đây là đề tài đầu tiên mà tôi thực hiện với vai trò chủ nhiệm. Từ ý tưởng, phương pháp nghiên cứu, nhân lực, nguồn tài chính, công bố… mọi thứ đều do tôi đích thân tiến hành và trải nghiệm. Lúc đó, không chỉ đi làm thí nghiệm mà mình còn phải cân nhắc, thí nghiệm nào phù hợp hơn về cả mặt khoa học lẫn chi phí, cân nhắc tạp chí nào phù hợp, viết thư làm sao,… Quả thực là một trải nghiệm quá tuyệt vời cho một người trẻ làm khoa học như tôi. Tôi cũng rất biết ơn ĐHQG Tp.HCM vì đã tin tưởng và giao nhiệm vụ này cho tôi ngay khi tôi mới về nước. Đặc biệt hơn nữa, đề tài này tôi tập trung nghiên cứu giải pháp cho tình trạng kháng thuốc kháng nấm trên đối tượng là bệnh nhân ung thư Việt Nam. Kết quả là tôi đã có 2 công bố: 01 công bố Q1 và 01 công bố Q3. Đây thực sự là một cái gì đó nho nhỏ cống hiến cho Việt Nam.

Những thách thức lớn nhất Tiến sĩ đã gặp phải trong quá trình nghiên cứu là gì và anh đã vượt qua chúng như thế nào?

Như bất kỳ một người làm nghiên cứu nào, một số thách thức cần phải vượt qua đó là: khó khăn về tài chính, khó khăn về cơ sở vật chất và thất bại trong nghiên cứu. Để giải quyết những khó khăn này thì tôi nghĩ chúng ta lại quay lại nguyên tắc tam lực: Thực lực – Nhân lực – Định lực mà tôi đã nhắc đến ở trên.

Kế hoạch phát triển nghiên cứu của Tiến sĩ như thế nào trong tương lai?

Trong tương lai gần, tôi tiếp tục tập trung nghiên cứu các vấn đề về Dược học. Trong đó, một số hướng nghiên cứu ưu tiên hàng đầu, gồm: tiếp tục phát triển những giải pháp mới cho vấn đề đề kháng thuốc, tập trung lên đối tượng bệnh nhân và vấn đề của Việt Nam; hướng nghiên cứu về dạng bào chế truyền thống và tiên tiến các dạng thuốc, nghiên cứu phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc tự nhiên, y học cổ truyền, và có nguồn gốc sinh học… Song song với các nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên, tôi cũng đang thử sức với lĩnh vực Khoa học giáo dục. Trong đó, tập trung vào công tác đổi mới trong đào tạo lĩnh vực khoa học sức khỏe. Hiện tôi cũng đang tham gia chương trình trao đổi học giả tại Đại học Harvard về vấn đề đào tạo liên ngành trong khoa học sức khỏe (03 tháng, từ tháng 09-11/2024).

Tiến sĩ có thể chia sẻ về những đóng góp mà các nghiên cứu của anh sẽ mang đến cho cộng đồng xã hội hoặc đối với lĩnh vực khoa học mà anh đang theo đuổi?

Đối với hướng nghiên cứu về vấn đề đề kháng, nhóm nghiên cứu kì vọng sẽ đề xuất ra được một số giải pháp tiềm năng cho vấn đề nhức nhối này trên đối tượng bệnh nhân Việt Nam. Đối với hướng về phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ tự nhiên, công nghệ sinh học hay dạng bào chế: nhóm nghiên cứu hy vọng có thể đóng góp công sức vào chiến lược phát triển công nghiệp Dược Việt Nam từ đây đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được chính phủ phê duyệt, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo thuốc cho người dân, tăng mức độ tự chủ của sản xuất dược phẩm trong nước và tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu và tận dụng nguồn nguyên liệu tại Việt Nam. Đối với hướng nghiên cứu về Khoa học giáo dục, tôi hy vọng sẽ có thể đóng góp công sức nhỏ bé vào quá trình đào tạo các cán bộ y tế theo hướng dựa trên năng lực và lấy người học làm trung tâm.

Tiến sĩ có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang bắt đầu bước chân vào con đường khoa học?

Nếu được phép cho lời khuyên, tôi chỉ xin chia sẻ kinh nghiệm bản thân: đầu tiên các bạn có thể thử sức với nhiều hướng nghiên cứu khác sau, sau đó các bạn phải xác định được hướng mình thực sự đam mê và theo đuổi nó hết mình.

Cảm xúc của Tiến sĩ như thế nào khi được nhận Giải thưởng KHCN Quả Cầu Vàng?

Khi nhận được thông báo kết quả TOP20 lẫn TOP10, tôi thực sự rất hồi hộp vì không biết mình có tên trong danh sách không vì tất cả các ứng viên đều xuất sắc và đều đạt tiêu chuẩn để được vinh danh. Cảm giác này làm tôi nhớ lại thời điểm thi Đại học cách đây 12 năm. Khi thấy có tên mình, thực sự là hạnh phúc và vỡ òa khi những nỗ lực đã được công nhận.

Cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!

(Truyền thông UHS)

—————————

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC SỨC KHỎE, ĐHQG-HCM